Cha mẹ trực thăng


… các bậc cha mẹ, hãy quên đi vai trò “hy sinh” hay “đắm đuối cá chuối…”,      hãy bỏ thói “đầu tư cho tương lai của con cái”…

Bạn cứ tưởng tượng những dịp lễ lạt lớn, khi mọi người khai hội ở dưới đất thì có trực thăng của cảnh sát vần vũ theo dõi an ninh trên bầu trời phòng khủng bố. Hay trong phim hành động có màn cảnh sát truy tội phạm trên mặt đất được trực thăng rọi đèn chỉ lối phía trên đầu.

Một thứ thuật ngữ mới trong tiếng Anh ngày càng thông dụng đó là cha mẹ trực thăng (helicopter parents, hoặc snow-ploughing parents, Parents from Hell, hovercrafts), mô tả một thứ cha mẹ suốt ngày lo lắng, định hướng, uốn nắn, ôm đồm, kiểm duyệt … do thám con cái. Các bậc cha mẹ, phần lớn thuộc lớp trung lưu ở Mỹ, Pháp, Úc…thường lo lắng đến mức kỳ cục khi tạo dựng tương lai cho con cái. Dạng cha mẹ này thường khiến trẻ hoàn toàn lệ thuộc vào họ về tình cảm và mất khả năng tự phát triển và ứng phó với đời.

Một nghiên cứu xã hội học gần đây cho biết khi lo lắng và đắm đuối vì con cái, các bậc cha mẹ đã làm hại chính họ. Quan hệ vợ chồng rạn nứt, mất bạn bè và các sinh hoạt xã hội của cả hai vợ chồng. Cả bố và mẹ trở nên hay cáu kỉnh, mất vui. Một số nghiên cứu khác đã kết luận, những ai không có con cái thường hạnh phúc hơn những người con đàn cháu đống. Và những người có con thường trở nên ổn định và hạnh phúc hơn khi con cái của họ ra đời lập nghiệp và gia đình riêng, sống tách khỏi bố mẹ. Một nghiên cứu khác kết luận cha mẹ nhiều khi muốn ngủ bù hoặc đi sắm đồ, thích hơn là dành thời gian với con cái của họ.

Có con cái là một trải nghiệm đầy hạnh phúc, một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc sống. Nhưng đó cũng là một quá trình đầy gian khó. Cha mẹ ngày nay chịu áp lực nhiều gấp đôi so với cha mẹ thời những năm 50. Nguyên nhân chủ yếu là: cha mẹ dành quá quá nhiều thời gian chăm con. Đặc biệt có những người mẹ tiếp tục dành thời gian cho con cái ngay cả khi họ quay lại để đi làm, sau khi sinh. Họ không còn mấy các khoảnh khắc cho riêng mình.

Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ trong việc trói chân tay cha mẹ. Ngày nay khi trẻ sơ sinh đã có bộ đàm trong buồng ngủ theo dõi, lớn lên chúng có mobile phone và Facebook hay twitter – rất tiện để bố mẹ do thám và chỉ đạo. Tệ hơn nữa, chính các cha mẹ bận bịu nhiều nhất với công việc ở sở lại thường giám sát con cái sâu sát và nặng nề nhất. Họ chịu stress nhiều nhất.

Chính vì vậy, một loạt các tác gia ngày nay khuyến khích các bậc cha mẹ hãy “thoải mái đi, vô tư đi.” Nuôi dậy con cái nên đồng nghĩa với việc bố mẹ được nghỉ ngơi, vui cười, và mặc cho bọn trẻ chúng nó tự học hỏi bảo ban nhau…, tác gia người Anh Tom Hodgkinson khuyến khích như vậy, trong cuốn sách của anh “Cha mẹ ngồi đó: làm ít hưởng nhiều trong nuôi dạy con cái.” Phương pháp của anh đại thể là: hãy để trẻ con tập hiếu động, cho chúng ra sân còn mình thì đóng cửa lại nghỉ ngơi, cho chúng vào rừng và ra cánh đồng, bật nhạc lên trong nhà và làm sao cho vang tiếng hát hò, trò chuyện mỗi buổi chiều về…

Những ngày cuối tuần phải chăng nên để cho trẻ con tự tiêu khiển, xem TV chẳng hạn, đọc sách,… để bố mẹ được ngủ thêm cho đẫy giấc. Hãy để chúng có nhiều thêm thời gian  nhảy múa, chơi nhạc, phát triển trí tưởng tượng, tình cảm và mức độ tự giác. Còn các bậc cha mẹ, hãy quên đi vai trò “hy sinh” hay “đắm đuối cá chuối…”, hãy bỏ thói “đầu tư cho tương lai con cái” hãy bỏ luôn nhận thức “đời là bể khổ…”, để hưởng những phút giây thực của bản thân mình.

Lê Minh